VẤN ĐỀ BẢO VỆ CÔ DÂU VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC
I. Dẫn nhập
Trong những năm gần đây, tình trạng kết hôn giữa cô dâu người Việt Nam với chú rể người Hàn Quốc đã không còn xa lạ. Tuy nhiên việc kết hôn chóng vánh và những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, quan điểm đã dẫn đến nhiều trường hợp cô dâu Việt bị bạo hành hoặc thậm chí bị sát hạt. Ngày 16/11/2019, người chồng Hàn Quốc sát hại vợ người Việt Nam và phi tang xác vợ. Hay vụ người vợ Việt bị chồng Hàn Quốc bạo hành phải lánh vào nhà tạm trú, khi ly hôn không được tiếp tục ở lại Hàn Quốc nuôi con vì không được tiếp tục bảo lãnh thị thực và vì lý do ly hôn không hoàn toàn do lỗi người chồng.
II. Thực trạng
Một trong những lý do khiến nhiều cô dâu Việt Nam lựa chọn kết hôn với chú rể Hàn Quốc là vấn đề kinh tế, các cô dâu thường còn trẻ và hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hầu hết cô dâu Việt kết hôn qua đường mai mối, thời gian quen biết chú rể và đi đến quyết định kết hôn thường rất ngắn ngủi. Các cô dâu không thể biết được tình trạng thực của chú rể Hàn. Thực tế cho thấy các chú rể Hàn thường sống ở vùng sâu, vùng nông thôn, trình độ học vấn hạn chế, công việc không ổn định. Bên cạnh đó là bất đồng về ngôn ngữ, bất đồng về văn hóa dẫn đến việc khi về nhà chồng hầu hết đều có cuộc sống không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra mẫu thuẫn, cãi vã và bạo hành.
III. Những bất lợi mà cô dâu Việt Nam gặp phải khi quyết định ly hôn
1. Nạn nhân của bạo hành gia đình: Cô dâu Việt muốn có thể làm việc tại Hàn Quốc cần được chồng bảo lãnh thị thực ban đầu có thời hạn 01 năm. Sau đó để tiếp tục được ở lại Hàn Quốc họ cần được gia hạn thị thực 03 năm/lần. Chính vấn đề này đã dẫn đến nhiều trường hợp phụ nữ Việt sau khi kết hôn với chồng Hàn Quốc dù bị bạo hành cũng không dám tố cáo. Rào cản ngôn ngữ khiến các cô gái khó khăn khi báo cảnh sát. Ngay cả khi thưa ra chính quyền thì cũng rất ít trường hợp được giải quyết vì quy định pháp luật của Hàn Quốc yêu cầu phải có chứng cứ, việc này chỉ có luật sư mới làm được, trong khi cô dâu Việt không rành tiếng Hàn và không có đủ tài chính để yêu cầu luật sư giúp đỡ. Vì vậy, không ít các cô dâu Việt lựa chọn im lặng dù là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Nhiều cô dâu Việt lựa chọn bỏ trốn ra sống ngoài vòng pháp luật, bị nhà chồng báo cảnh sát nên việc đi lại gần như không tự do vì sợ cảnh sát bắt, làm thuê thì bị chủ trả lương thấp, có trường hợp bị lạm dụng, bức hiếp…
2. Không được tạo điều kiện ở lại Hàn Quốc chăm sóc con: Các cô dâu Việt qua Hàn Quốc theo diện kết hôn. Pháp luật Hàn Quốc quy định nếu hai vợ chồng ly hôn và không có con, người vợ phải trở về nước, trừ khi chứng minh được người chồng có lỗi dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Nếu có con, người vợ sau khi ly hôn muốn ở lại để bảo trợ cho con cần phải chứng minh được năng lực kinh tế, điều kiện nuôi dạy con cái. Nếu không đủ điều kiện, người vợ phải gia hạn visa một năm một lần với lý do thăm nuôi con, tức không sống với con và phải có bằng chứng là hàng tháng vẫn đến thăm con và đang lao động kiếm tiền chu cấp cho con.
Điều này gây khó khăn cho phụ nữ Việt khi ly hôn với chồng Hàn Quốc với mong muốn được ở lại chăm sóc con cái.
Thiết nghĩ quy định pháp luật của Hàn Quốc cần có những biện pháp bảo vệ cô dâu ngoại quốc khỏi nạn bạo lực gia đình và hạn chế những bất cập về gia hạn lưu trú và chăm sóc con cái sau ly hôn.