VÌ SAO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ HÀN QUỐC CẦN CÂN NHẮC KỸ KHI LỰA CHỌN CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM?

Căn cứ pháp lý:

– Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)

– Hiệp định thương mại tự do Asean – Hàn Quốc (AKFTA)

1. Hiệp định thương mại, đầu tư là gì?

Hiệp định thương mại, đầu tư là các chính sách ưu đãi của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, giảm bớt các rào cản về thuế quan, hàng rào phi thuế quan và các lệnh cấm hoàn toàn để gia tăng lợi ích trong thương mại.

Các hiệp định thương mại được xây dựng chung và riêng dựa trên chính sách đối ngoại giữa Việt Nam và các nước. Việc các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hiệp định thương mại, đầu tư đúng đắn sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, cũng như hiểu rõ hơn về cơ hội kinh doanh của chủ đầu tư tại Việt Nam.

Là một quốc gia đang phát triển với nguồn nhân lực và tài nguyên dồi dào, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đưa ra những chính sách tự do hoá thương mại và nỗ lực ký kết rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác. Số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các đối tác nhiều hơn tất cả các nền kinh tế Đông Á khác (trừ Singapore). Vì thế, có thể coi đây là một trong số những nền kinh tế mở cửa nhất.

2. Các hiệp định thương mại, đầu tư cho nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã được ký kết và chính thức có hiệu lực năm 2015 đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. VKFTA không thay thế AKFTA mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực và doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn. So với Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. VKFTA cũng sẽ cắt giảm thêm một số dòng thuế mà trong AKFTA chưa được cắt giảm hoặc mức độ cắt giảm còn hạn chế.

Đối với các lĩnh vực có cam kết mở cửa thị trường, Việt Nam sẽ không ban hành hoặc duy trì các biện pháp ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ của Hàn Quốc gồm hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; hạn chế về giá trị giao dịch; hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ đầu ra; hạn chế về tổng số nhân lực tuyển dụng; hạn chế về loại hình doanh nghiệp; hạn chế về vốn góp nước ngoài.

So với các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam và Hàn Quốc trong WTO và AKFTA thì trong VKFTA, Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc trong 02 phân ngành là:

– Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị.

– Dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển.

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc cho phép miễn nộp giấy Chứng nhận Xuất xứ đối với các hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan không quá 600USD (trị giá FOB), hoặc một mức cao hơn nếu nước nhập khẩu cho phép.

Như vậy, trong một số lĩnh vực, các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể lựa chọn sử dụng Hiệp định VKFTA để có lợi hơn trong các phân ngành về dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị cũng như dịch vụ cho thuê máy móc và các thiết bị khác không kèm người điều khiển. Với lợi thế trong công nghệ và tiềm năng vốn cao, Hàn Quốc hiện tại đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với nhiều sự thành công của các doanh nghiệp lớn như Samsung, Haesung Vina, Keosan Vina Electronics, Hyundai, Kumho Asiana, Lotte, LG, …

Tương tự như nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc thì nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ đều có thể bị mắc sai lầm trong việc áp dụng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để áp dụng trong việc thực hiện đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, khi thực hiện việc đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành công ở Việt Nam cần có những cân nhắc nhất định về Hiệp định thương mại muốn sử dụng để tối ưu hóa việc đầu tư của mình. Đặc biệt là tại thị trường mở như Việt Nam, vì có quá nhiều Hiệp định về chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp nước ngoài cần phải nghiên cứu trước khi lựa chọn hoặc tìm cố vấn đáng tin cậy để hỗ trợ tìm hiểu hiệp định có thể tối đa hóa lợi ích của nhà đầu tư.