CÁC BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ VỀ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG MÀ CHỦ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CẦN BIẾT

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Bảo vệ môi trường 
  • Luật Đầu tư
  • Nghị định số 08/2022

Trong quá trình thi công các công trình xây dựng, chủ dự án đầu tư, nhà thầu thi công và các bên liên quan phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. 

1. Báo cáo đánh giá tác động môi trường

Cụ thể, đối với chủ dự án đầu tư, bắt buộc phải lập ĐTM (ĐTM là báo cáo đánh giá tác động môi trường) theo quy định và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi triển khai thi công. Trong đó, đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo, hoặc trong thời hạn tối đa 12 tháng, kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư cần hoàn thiện báo cáo và gửi lại cho cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đồng thời, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng của nhà thầu;  phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.

Chủ dự án đầu tư còn có nghĩa vụ phải đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường trong khu vực dự án và xung quanh hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Trong trường hợp này, nhà đầu tư yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi cho phép tiếp tục thi công cũng như phối hợp với nhà thầu để xử lý, khắc phục và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.

2. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Theo Khoản 3 Điều 75 của Luật Đầu tư, các dự án thuộc đối tượng phải báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Điều 18 của Luật Bảo vệ môi trường phải thực hiện “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”. Cụ thể, đối với các dự án này, đánh giá sơ bộ tác động môi trường là bắt buộc và là cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt thì nhà đầu tư mới được thực hiện dự án.

Những dự án buộc phải thực hiện báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định tại Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường bao gồm:

– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

– Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.