THỰC HIỆN VIỆC GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ pháp lý: 

  • Luật Đầu tư năm 2020
  • Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Tìm hiểu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) là doanh nghiệp do nhà đầu tư của một quốc gia đầu tư toàn bộ hoặc một phần vốn thành lập trên lãnh thổ của một quốc gia khác để tiến hành hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Luật Đầu tư 2020 của Việt Nam không đề cập trực tiếp đến loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.

Như vậy, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được quy định bao gồm: 

– Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; 

– Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

– Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nguyên tắc đầu tư 

Đối với việc góp vốn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài thường mắc phải trong quá trình góp vốn chính là việc góp vốn không đúng với quy định của pháp luật dẫn đến việc đầu tư không thành công. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư vào Việt Nam cần phải đảm bảo một số nguyên tắc chung như sau:

  1. Nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành), Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng PPP đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
  2. Việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
  3. Các nội dung liên quan đến các khoản vay nước ngoài ngắn, trung và dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (giao dịch thu tiền rút vốn, chi trả tiền gốc, lãi, phí; tài khoản vay, trả nợ nước ngoài) thực hiện theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
  4. Việc sử dụng lợi nhuận được chia của nhà đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập ở Việt Nam khi chuyển tiền góp vốn không được chuyển thẳng sang Tài khoản thanh toán của Công ty. Nhà đầu tư nước ngoài cần phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thông qua tài khoản vốn thực hiện các hoạt động như: Tiếp nhận vốn, vay, trả nợ của các khoản vay nước ngoài ngắn, trung, dài hạn và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Đối với việc Nhà đầu tư nước ngoài mua lại vốn góp, mua cổ phần, thanh toán giá trị chuyển nhượng dự án đầu tư giữa các nhà đầu tư trong hợp đồng BCC, giữa các nhà đầu tư trực tiếp thực hiện dự án PPP. Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài tiến hành mua lại vốn góp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có vốn đầu tư nước ngoài khác, thì việc thanh toán chuyển nhượng ở đây là chuyển nhượng giữa hai cá nhân không cư trú tại Việt Nam, nên sẽ không thực hiện thông qua Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Trong trường hợp này, hai nhà đầu tư sẽ tự thanh toán chuyển nhượng cho nhau thông qua Tài khoản cá nhân. Nếu nhà đầu tư chuyển tiền mua lại vốn vào Tài khoản ngân hàng doanh nghiệp sẽ sai quy trình, ngân hàng sẽ  phải chuyển hồi tiền thanh toán chuyển khoản dẫn đến việc thanh toán chuyển nhượng không thành công, mất nhiều thời gian và phí ngân hàng.