THỦ TỤC NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM DÀNH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Căn cứ pháp lý:

        Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014)

        Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam

Việc gia nhập quốc tịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với người nước ngoài mà còn đối với quốc gia mà người đó xin gia nhập. Đối với những người nước ngoài có mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể tham khảo trình tự thủ tục sau đây.

 1. Quốc tịch là gì?

Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân Việt Nam.

Khi thực hiện thủ tục nhập quốc tịch, người thực hiện đang muốn xác lập mối liên hệ pháp lý giữa cá nhân đối với nhà nước nhất định, biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó được pháp luật của Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện.

2. Điều kiện để nhập quốc tịch

Theo Khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng được đủ các điều kiện được quy định như sau:

  Có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt đủ để thích nghi với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam;

        Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam từ 5 năm trở lên và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.

        Chứng minh được khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Trong một số trường hợp đặc biệt, người xin nhập quốc tịch là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam hoặc có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không cần phải đáp ứng các điều kiện trên. 

  1. Hồ sơ nhập quốc tịch

Khi có yêu cầu xin nhập quốc tịch Việt nam, người nước ngoài và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp nơi cư trú. Sau khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, yêu cầu xin nhập quốc tịch sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục được nêu tại Điều 21 và 22 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Hồ sơ nhập quốc tịch sẽ bao gồm:

    1. Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
    2. Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
    3. Bản khai lý lịch;
    4. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
    5. Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
    6. Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
    7. Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam;

Lưu ý:

Những người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì được miễn các giấy tờ tương ứng với điều kiện được miễn, nhưng phải nộp giấy tờ để chứng minh điều kiện được miễn.

Đối với trường hợp người xin nhập quốc tịch có con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch theo cha mẹ thì cần  bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ.

Một số vấn đề cần lưu ý về việc nhập quốc tịch

Người xin nhập quốc tịch phải thôi quốc tịch nước ngoài (trừ những trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 9 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP); phải có tên gọi Việt Nam và việc gia nhập quốc tịch không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi cư trú, không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ. Thời hạn giải quyết hồ sơ gia nhập quốc tịch Việt Nam là 115 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian thực tế giải quyết hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền, trường hợp hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ sẽ tốn thêm thời gian để sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, theo Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp trẻ em khi sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó cũng có quốc tịch Việt Nam.