NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ CHỐT SỔ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐƯỢC KHÔNG?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
1. Chốt sổ bảo hiểm xã hội, người lao động tự làm được không?
Theo quy định hiện hành, người lao động không thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được. Việc chốt sổ bảo hiểm phải được thực hiện bởi người sử dụng lao động.
Như vậy, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục chốt sổ cho người lao động tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Công ty cũ không chốt sổ bảo hiểm cho người lao động, có bị phạt?
Mức phạt đặt ra với người sử dụng lao động được xác định dựa trên số lượng người lao động không được chốt sổ khi nghỉ việc. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng: Nếu có từ 01 đến 10 người lao động.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Nếu có từ 11 đến 50 người lao động.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: Nếu có từ 51 đến 100 người lao động.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng : Nếu có từ 101 đến 300 người lao động không được chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: Nếu có từ 301 người lao động trở lên không được chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc.
Đây là mức phạt áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi mức trên.