HỢP ĐỒNG CÓ ĐIỀU KIỆN
I. Văn bản pháp luật
Bộ luật Dân sự năm 2015
II. Khái niệm hợp đồng có điều kiện
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Khoản 2 Điều 402 Bộ luật dân sự quy định hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể khái niệm của hợp đồng có điều kiện. Tuy nhiên qua cách quy định này có thể hiểu bản chất của hợp đồng có điều kiện là việc thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
III. Quy định pháp luật về hợp đồng có điều kiện
- Quy định về hợp đồng có điều kiện
Hợp đồng có điều kiện là một loại hợp đồng trong các hợp đồng dân sự nói chung. Do đó, hợp đồng có điều kiện phải thỏa mãn các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực bao gồm:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Ngoài ra, đối với một số giao dịch dân sự yêu cầu hình thức giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch.
Bên cạnh đó, hợp đồng có điều kiện phải đảm bảo sự kiện được coi là điều kiện phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng. Luật chưa có quy định như thế nào là điều kiện trong hợp đồng có điều kiện. Điều kiện trong hợp đồng có điều kiện có thể hiểu là sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nghĩa vụ của hợp đồng. Nói cách khác, điều kiện trong hợp đồng có điều kiện là sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ. Theo Điều 274 Bộ luật dân sự năm 2015, nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện là trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện.
- Ví dụ 1: trong hợp đồng tặng cho có điều kiện, bên tặng cho là bà muốn tặng cho cháu trai tài sản nhà và đất với điều kiện người cháu phải chăm sóc cho bà đến khi bà qua đời. Trước tiên hợp đồng tặng cho cần đảm bảo có các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự nói chung. Để phát sinh nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu tài sản của bên tặng cho, bên được tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc – điều kiện được thỏa thuận tại hợp đồng. Nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc thì điều kiện không xảy ra, nghĩa vụ tặng cho tài sản không phát sinh.
- Ví dụ 2: Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty A và Công ty B, khi ký kết hợp đồng các bên thỏa thuận: bên bán Công ty A có nghĩa vụ giao hàng trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thanh toán công nợ cũ. Nghĩa vụ thanh toán công nợ cũ là điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của một bên khi thực hiện hợp đồng.
- Phân biệt điều kiện của hợp đồng có điều kiện với nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng
Khi xem xét về điều kiện trong hợp đồng có điều kiện, cần phân biệt điều khoản có điều kiện khác với nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng.
- Ví dụ: C vay tiền của D theo hợp đồng cho vay ngày 10/01/2023, nội dung hợp đồng có thỏa thuận thời hạn vay là 06 tháng, hạn chót ngày 10/7/2023 C có nghĩa vụ phải trả cho D toàn bộ số tiền vay cũng số tiền lãi theo lãi suất đã thỏa thuận.
Nghĩa vụ trả tiền khi đến hạn là nghĩa vụ bắt buộc của bên vay từ thời điểm ký kết hợp đồng. Nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng đã tồn tại, đã được cam kết và bên có nghĩa đã chịu sự ràng buộc bởi hợp đồng có hiệu lực, không phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt sự kiện pháp lý nhất định.
- Hệ quả pháp lý khi điều kiện xảy ra hoặc không xảy ra do sự tác động của một bên
Khoản 2 Điều 120 và khoản 2 Điều 284 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
- Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra.
- Trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.