GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

 Giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài đang là vấn đề được rất nhiều người lao động lẫn người sử dụng lao động có yếu tố nước ngoài quan tâm. Vậy cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài? Trình tự, thủ tục ra sao? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin để có thể hiểu rõ hơn những quy định về vấn đề trên.

1. Căn cứ pháp lý:

– Bộ Luật lao động 2019

– Bộ luật dân sự 2015

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015

2. Quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài và tranh chấp lao động

          Quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài là quan hệ phát sinh theo hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động khi một trong hai bên có quốc tịch khác nhau. Theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, các trường hợp quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài bao gồm: Người Việt Nam được người nước ngoài sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn; Người Việt Nam được cử đi công tác theo hợp đồng lao động ở nước ngoài theo thời hạn; Công dân Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, Người nước ngoài lao động tại Việt Nam….

         Theo quy định tại Điều 179, Bộ luật Lao động năm 2019 thì tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm:

a) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;

b) Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

         Từ đó, có thể kết luận tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài là sự mâu thuẫn nhau về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động mà có ít nhất một bên là người nước ngoài hoặc liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài, được một trong các bên yêu cầu giải quyết.

3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động 

           – Hòa giải viên lao động; 

           – Hội đồng trọng tài lao động; 

           – Tòa án nhân dân (TAND) (không giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích)

4. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp

           4.1 Tranh chấp lao động cá nhân

           Căn cứ Khoản 1, Điều 188, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động (HĐTTLĐ) hoặc TAND giải quyết. 

           Ngoại lệ với 06 trường hợp tranh chấp không bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải:

– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; 

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; 

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; 

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật an toàn vệ sinh lao động; 

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

          4.2 Tranh chấp lao động tập thể về quyền

– Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết (Căn cứ khoản 2 điều 191 bộ luật lao động 2019).

– Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà Hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết

+ Yêu cầu Tòa án giải quyết.

4.3. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

– Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công (Căn cứ khoản 2 điều 195 bộ luật lao động 2019).

– Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà Hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp là: 

+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết 

+ Tiến hành thủ tục đình công theo quy định của pháp luật.

5. Thời hiệu 

– Thời hiệu yêu cầu Hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động là 06 tháng; 

– Thời hiệu yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết là 09 tháng; 

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động là 01 năm.

Các mốc thời hiệu này được tính từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Kết luận:

Phương thức giải quyết bằng HĐTTLĐ có thủ tục nhanh chóng, nguyên tắc xét xử không công khai giúp bảo mật thông tin, các Trọng tài viên do các bên lựa chọn đại diện cho ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực Nhà nước, rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Một bên tranh chấp là cá nhân hay pháp nhân nước ngoài khi lựa chọn giải quyết bằng HĐTTLĐ tại Việt Nam có thể dựa vào ý chí của mình chọn 01 Trọng tài viên để tham gia trực tiếp và xét xử, bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của họ.