ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP) TẠI VIỆT NAM

Căn cứ pháp lý:

–       Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư

–       Nghị định số 35/2021/NĐ-CP

 

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, ngày càng đẩy mạnh việc hợp tác kinh tế quốc tế song phương và đa phương. Do đó, việc phát triển các chính sách pháp luật tạo ưu thế và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài luôn được chú trọng hàng đầu. Những năm trở lại đây, Việt Nam đã cho phép các dự án đầu tư ở những lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư cùng với những ưu đãi đặc biệt nhằm san sẻ gánh nặng bảo đảm năng suất công việc. Vậy, quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư theo phương thức đối tác công tư như thế nào? Cần những điều kiện gì để được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam?

 

Đầu tư theo phương thức PPP là gì?

Căn cứ theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership – sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP trong các lĩnh vực:

– Giao thông vận tải;

– Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;

– Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;

– Y tế; giáo dục – đào tạo;

– Hạ tầng công nghệ thông tin.

Quy mô các dự án PPP dao động ở mức từ 100 tỷ đồng đến hơn 1.500 tỷ đồng, có thể thấy, tiềm năng khi đầu tư theo phương thức đối tác công tư là rất lớn.

 

Các điều kiện để trở thành nhà đầu tư PPP

Theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, để tham gia đầu tư PPP tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần đảm bảo các điều kiện cơ bản để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá các hồ sơ pháp lý phù hợp với những tiêu chuẩn quốc gia khi tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam. Cụ thể:

– Có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà nhà đầu tư đang hoạt động;

– Hạch toán tài chính độc lập; bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư;

– Không đang trong quá trình giải thể; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;

– Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP;

– Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải liên danh với nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân để tham dự thầu;

– Nhà đầu tư thành lập theo pháp luật nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đây là nỗ lực của Việt Nam từng bước khẳng định vị thế tin cậy đối với các nhà đầu tư, nguồn vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam trong nền kinh tế thị trường đầy thách thức hiện nay. Việt Nam luôn lấy sự uy tín làm giá trị cốt lõi trong việc hợp tác, các chính sách khuyến khích đầu tư ngày càng mở rộng, “đón chào” các nhà đầu tư, nguồn vốn nước ngoài.