CHỈ DẪN ĐỊA LÝ
Cơ sở pháp lý
– Luật sở hữu trí tuệ 2005
– Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009
– Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
– Thông tư 01/2007/ TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP
– Thông tư 16/2016/TT-BKHCN
I. KHÁI NIỆM
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định, được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương…)
Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
1. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý cần phải được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.
Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhận đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
2. Quyền sở hữu và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý
Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà nước.
Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức quản lý thực hiện quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý.
3. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý
Cá nhân, tổ chức sản xuất/kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trong khu vực địa lý tương ứng.
4. Sử dụng chỉ dẫn địa lý
4.1. Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
4.2. Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;
4.3. Nhập khẩu hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
II. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ
1. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1.1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
1.2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
2. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý
2.1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.
2.2.Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.
2.3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.
2.4. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ
1. Thành phần hồ sơ
Để đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, tổ chức, cá nhân phải nộp tối thiểu các tài liệu sau đây:
1.1. Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý;
1.2. Bản mô tả tính chất/chất lượng/danh tiếng của sản phẩm;
1.3. Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
1.4. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Ngoài các tài liệu trên, thì trong một vài trường hợp tổ chức, cá nhân cần bổ sung các tài liệu khác như sau:
1.5. Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ ở nước xuất xứ và Bản dịch tiếng Việt; (đối với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài);
1.6. Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
2. Hình thức nộp đơn
2.1. Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.
2.2. Hình thức nộp đơn trực tuyến
2.2.1. Điều kiện để nộp đơn trực tuyến:
Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
2.2.2. Trình tự nộp đơn trực tuyến:
Bước 1: Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ;
Bước 2: sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến;
Bước 3: Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định.
Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến,
Nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận.
Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
3. Thủ tục xử lý đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được xem xét theo trình tự sau:
3.1. Thẩm định hình thức
3.2. Công bố đơn hợp lệ
3.3. Thẩm định nội dung đơn
3.4. Cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
3.5. Đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ.