CÁC TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Cơ sở pháp lý:

– Luật Thương mại 2005;

– Nghị định số 07/2016/NĐ-CP.

Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận. Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam và thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định. 

1. Chấm dứt hoạt động của thương nhân nước ngoài

Thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động tại Việt Nam trong các trường hợp sau:

– Hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép;

– Theo đề nghị của thương nhân và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp nhận;

– Theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật và quy định của giấy phép;

– Do thương nhân bị tuyên bố phá sản;

– Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật nước ngoài đối với hình thức Văn phòng đại diện, Chi nhánh và tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với bên Việt Nam;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trước khi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Việt Nam.

2. Hồ sơ chấm dứt hoạt động của thương nhân nước ngoài

– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện, Chi nhánh do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký, trừ trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh;

– Bản sao văn bản của Cơ quan cấp Giấy phép không gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh hoặc bản sao Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của Cơ quan cấp Giấy phép (nếu có);

– Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

– Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

– Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh.

Bên cạnh đó, một số giấy tờ khác có thể được yêu cầu nộp cho Cơ quan nhà nước như cam kết hoàn thành nghĩa vụ thuế và hải quan, phương án thanh toán các khoản nợ,…