VẤN ĐỀ TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG KHI LY HÔN GIỮA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM
1. Tình huống
Chồng là người Hàn Quốc (ông Lee), vợ là người Việt Nam (bà Nguyên), kết hôn hợp pháp tại Việt Nam. Căn nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh mà vợ chồng ông Lee bà Nguyên đang ở là tài sản chung có phần lớn công sức đóng góp của ông Lee. Từ khi xác định yêu đến kết hôn, ông Lee nhiều lần đưa tiền cho bà Nguyên để mua nhà. Tại thời điểm mua nhà, ông Lee vẫn mang quốc tịch Hàn Quốc, không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông để bà Nguyên đứng ra mua bán và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do mâu thuẫn không thể tiếp tục hôn nhân, ông Lee khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, chia tài sản chung với bà Nguyên.
Trong trường hợp này, vấn đề tài sản chung sẽ được giải quyết như thế nào khi các tài liệu mua bán nhà đất và giấy chứng nhận chỉ đứng tên bà Nguyên.
Điều kiện: tranh chấp được giải quyết bởi Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam và tài sản tranh chấp ở Việt Nam.
2. Dẫn nhập
Khi ly hôn, người nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi tranh chấp tài sản chung vì những hạn chế về chế độ sở hữu bất động sản của người nước ngoài và khó khăn trong việc nắm bắt quy định pháp luật Việt Nam.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp tài sản chung khi ly hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài
Quan hệ hôn nhân giữa người Việt Nam với người nước ngoài được hiểu là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Pháp luật Việt Nam được tôn trọng và bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Theo đó, đối với tranh chấp tài sản khi ly hôn mà tài sản là bất động sản ở nước nào thì áp dụng pháp luật nước đó. Như vậy, tranh chấp tài sản chung là bất động sản nhà và đất tại Việt Nam sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam giải quyết, mà cụ thể là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
4. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản chung khi ly hôn
Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giải quyết tranh chấp tài sản chung khi ly hôn tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
a. Tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng
Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Do đó pháp luật Việt Nam tôn trọng sự thỏa thuận về tài sản chung của vợ chồng, thể hiện ở cả chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo luật định:
- Chế độ tài sản theo thỏa thuận: Vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc theo luật định. Trường hợp lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, vợ chồng xác lập Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có công chứng hoặc chứng thực (Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014), thỏa thuận được lập trước khi kết hôn. Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thỏa mãn quy định pháp luật sẽ có hiệu lực pháp luật và là căn cứ pháp lý quan trọng giải quyết tranh chấp tài sản chung khi ly hôn.
- Chế độ tài sản theo luật định: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, quy định pháp luật theo hướng tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng về phân chia tài sản chung. Vợ chồng tự thỏa thuận phân chia tài sản chung mà không yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc trong quá trình tố tụng, vợ chồng thỏa thuận với nhau và được Tòa án ghi nhận lại bằng văn bản. Việc thỏa thuận tự phân chia tài sản của vợ chồng giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả và không tốn chi phí thẩm định tài sản.
b. Giải quyết tranh chấp khi không có thỏa thuận phân chia tài sản chung
Trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận gì khác, tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc sẽ được chia đôi. Quy định này là hợp lý với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất và phù hợp với nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình: vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Tuy nhiên, Tòa án khi xem xét giải quyết tài sản chung của vợ chồng sẽ xem xét đến các yếu tố sau để đảm bảo quyền sở hữu tài sản của mỗi bên:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016.
Bên đưa ra yêu cầu chia tài sản chung nhiều hơn có nghĩa vụ chứng minh công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
5. Giải quyết tình huống đặt ra
a. Xét trường hợp tài sản nhà đất có trước khi ông Lee và bà Nguyên đăng ký kết hôn
Trước khi yêu cầu phân chia tài sản, ông A phải chứng minh tài sản nói trên là tài sản chung của vợ chồng do ông Lee không đứng tên trên giấy chứng nhận. Ông Lee phải cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh nguồn gốc tài sản, như là: thu nhập của ông Lee tại thời điểm nhận chuyển nhượng nhà đất, có việc đóng góp tiền vào tạo lập, duy trì tài sản chung, tại thời điểm nhận chuyển nhượng nhà đất pháp luật Việt Nam không cho phép người có quốc tịch Hàn Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông Lee để bà Nguyên đứng tên; hoặc bất kỳ văn bản nào có sự xác nhận của bà Nguyên về nhà và đất là tài sản chung của vợ chồng.
Trong quá trình yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, bên đưa ra yêu cầu là bên có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu chứng cứ chứng minh theo Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
b. Xét trường hợp tài sản nhà đất có sau khi ông Lee và bà Nguyên đăng ký kết hôn
Tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản chung của vợ chồng dù chỉ có một mình người vợ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tòa án tôn trọng sự thỏa thuận về phân chia tài sản giữa các bên. Nếu các bên không thỏa thuận được, tài sản sẽ được phân chia khi xem xét các yếu tố như đã phân tích ở trên để đảm bảo quyền sở hữu của các bên. Bên cạnh đó, vì hạn chế quyền sử dụng đất của người nước ngoài ở Việt Nam nên trong các vụ án tranh chấp chia tài sản chung khi ly hôn, người nước ngoài sẽ được ưu tiên chia giá trị tài sản.