THỦ TỤC CÔNG NHẬN, CHO THI HÀNH BẢN ÁN DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

       Để thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, người được thi hành án phải tiếp tục thực hiện thủ tục thi hành án tại Cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Tuy nhiên đối với bản án của Tòa án nước ngoài muốn được thi hành tại Việt Nam, muốn được thi hành án trước tiên phải thực hiện thủ tục công nhận, cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài.

I. Văn bản pháp luật

– Bộ luật dân sự năm 2015

– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

II. Tại sao phải thực hiện thủ tục công nhận, cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam

      Trong nhiều trường hợp, bản án do Tòa án nước ngoài đã ban hành nhưng cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án. Việc công nhận, cho thi hành bản án tại Việt Nam là cần thiết và để thuận tiện cho việc thi hành án và xử lý tài sản của người phải thi hành án.

       Theo nguyên tắc tư pháp quốc tế, các quốc gia tôn trọng và bình đẳng về mặt chủ quyền, nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ, bản án, quyết định của Tòa án nước nào chỉ có hiệu lực áp dụng trong phạm vi lãnh thổ của nước đó. Tức bản án của Tòa án nước ngoài không đương nhiên được công nhận tại Việt Nam. Bản án do cơ quan tài phán nước ngoài giải quyết muốn được thi hành tại Việt Nam trước hết phải được công nhận, cho thi hành tại Việt Nam.

       Hơn nữa, bản chất của việc công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam là việc “chuyển đổi” hiệu lực của bản án nước ngoài để có hiệu lực như bản án quyết định của Tòa án Việt Nam, làm cơ sở cho việc yêu cầu thi hành án tại Việt Nam.

       Ví dụ: Bản án do Tòa án Hàn Quốc tuyên Bị đơn (công dân Việt Nam) có nghĩa vụ phải trả một số tiền nhất định theo hợp đồng vay đã ký kết cho Nguyên đơn (quốc tịch Hàn Quốc). Tuy nhiên Bị đơn không còn ở Hàn Quốc mà đang cư trú, làm việc và có tài sản tại Việt Nam. Nguyên đơn muốn yêu cầu Bị đơn thực hiện nghĩa vụ trả tiền phải thực hiện thủ tục công nhận, cho thi hành bản án của Tòa án Hàn Quốc tại Việt Nam.

       Do đó, để bản án do Tòa án nước ngoài có giá trị ràng buộc đương sự tại Việt Nam, cần thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

III. Quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục công nhận, cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài

a. Các loại bản án dân sự phải thực hiện thủ tục công nhận, cho thi hành tại Việt Nam

       Điều 423 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định có 03 loại bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận, cho thi hành tại Việt Nam, gồm:

 – Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Việt Nam là thành viên;

– Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;

– Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.

b. Người có quyền yêu cầu công nhận, cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài

       Người có quyền yêu cầu công nhận, cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài là người được thi hành án theo bản án hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

c. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:

– Bộ Tư pháp

– Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

d. Thủ tục:

Bao gồm các bước:

Bước 1: Gửi đơn yêu cầu công nhận, cho thi hành bản án

    • Người được thi hành án / người đại diện chuẩn bị đơn yêu cầu công nhận, thi hành bản án của Tòa án nước ngoài, kèm theo các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại Điều 434 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, gửi đến Bộ Tư pháp.
    • Nội dung đơn yêu cầu đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 433 Bộ luật tố tụng dân sự.

Bước 2: Thụ lý đơn và chuẩn bị xét đơn yêu cầu

    • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp sẽ chuyển đến Tòa án có thẩm quyền.
    • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển đến, Tòa án có thẩm quyền xem xét, thụ lý hồ sơ và thông báo cho người có đơn yêu cầu, Bộ Tư pháp.
    • Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ ra một trong ba quyết định sau: tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu, đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Bước 3: Phiên họp xét đơn yêu cầu 

    • Thời gian mở phiên họp: trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định mở phiên họp theo quy định tại Điều 437 và Điều 438 Bộ luật tố tụng dân sự.
    • Thành phần Hội đồng xét đơn yêu cầu: gồm 03 Thẩm phán thực hiện, trong đó một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
    • Thành phần tham dự phiên hợp: người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Kiểm sát viên cùng cấp (nếu vắng mặt vẫn tiến hành phiên họp).
    • Kết quả: Sau khi xét đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo, lắng nghe ý kiến của các bên được triệu tập, ý kiến của Viện kiểm sát, nếu có đủ cơ sở thì Hội đồng xét đơn yêu cầu sẽ ra quyết định công nhận và cho thi hành bản án hoặc quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

Bước 4: Gửi quyết định của Tòa án và kháng cáo, kháng nghị

    • Thời hạn gửi: 15 ngày kể từ ngày ra quyết định quy định tại khoản 5 Điều 438 của Bộ luật tố tụng dân sự,
    • Phải gửi quyết định công nhận và cho thi hành đến đương sự, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án dân sự.
    • Quyền kháng cáo: đương sự, người đại diện hợp pháp của họ
    • Quyền kháng nghị và thời hạn kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (10 ngày), Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (07 ngày), kể từ ngày nhận được quyết định.
    • Cơ quan thi hành án dân sự sẽ là cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo đúng nội dung của bản án được công nhận, cho thi hành án.