THÔNG BÁO KHÔNG THUỘC TRƯỜNG HỢP XÁC NHẬN NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI KHÔNG THUỘC DIỆN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định số 152/2020
  • Bộ luật Lao động

 

Theo Bộ luật Lao động, người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động cần nộp hồ sơ đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.

Tuy nhiên, có một số trường hợp người lao động không phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng phải báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. 

Các đối tượng này bao gồm:

– Chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

– Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

– Người lao động vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam quy định tại điểm l khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020.

– Người lao động vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

–  Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.

– Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Hồ sơ thông báo cần có các thông tin về người lao động nước ngoài, thông tin về doanh nghiệp, thời hạn làm việc và các tài liệu chứng minh người lao động không thuộc trường hợp xác nhận đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Người lao động hoặc người sử dụng lao động cần nộp hồ sơ trước ít nhất 3 ngày, tính từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.