NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM CÓ ĐƯỢC NHẬN TRỢ CẤP THÔI VIỆC KHÔNG?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Lao Động năm 2019

– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

Hiện nay, Covid – 19 không còn là vấn đề gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động. Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL hướng dẫn việc chi trả trợ cấp thôi việc và trợ cấp cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể tiếp tục áp dụng trong thời gian này. Vì vậy để tiếp tục đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời kỳ bình ổn, công ty xin cập nhật quy định về trợ cấp thôi việc mới nhất mà người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quyền hưởng bao gồm các điều kiện để được hưởng, cách tính trợ cấp và trường hợp đặc biệt liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Trợ cấp thôi việc là gì?

Trợ cấp thôi việc được hiểu là khoản tiền người lao động được hưởng sau khi đã nghỉ việc tại công ty với thời gian đã làm việc thường xuyên tại công ty đó từ đủ 12 tháng trở lên. Trong đó, thời gian tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Và với mỗi năm làm việc tại công ty này, người lao động sẽ được tính trợ cấp bằng một nửa tháng tiền lương khi hợp đồng lao động chấm dứt.

Để được hưởng trợ cấp thôi việc, nguyên nhân chấm dứt hợp đồng của người lao động phải thuộc các trường hợp được liệt kê sau đây:

– Chấm dứt do hết hạn hợp đồng;

– Chấm dứt do người lao động đã được hoàn thành công việc theo hợp đồng;

– Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

– Người lao động bị kết án tù nên không còn đủ khả năng thực hiện hợp đồng;

– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;

– Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật;

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật;

– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật.

 

Cách tính trợ cấp thôi việc

Tiền lương để tính trợ cấp là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Mức hưởng của trợ cấp thôi việc: cứ mỗi một năm làm việc, người lao động sẽ được trả nửa tháng tiền lương.

Công thức tính trợ cấp thôi việc có thể được khái quát như sau:

Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x Số năm làm việc để tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng trước khi thôi việc

Trong đó, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc không đủ năm sẽ được làm tròn như sau:

– Ít hơn hoặc bằng 06 tháng: Làm tròn thành 1/2 năm.

– Trên 06 tháng: Làm tròn thành 01 năm.

 

Lưu ý

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu/ theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc người lao động/ tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

Trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 12 Điều 34 và Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động cũng không được chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Như vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc như những người lao động khác. Tuy nhiên, cần chú ý đến các trường hợp đặc biệt làm mất đi quyền được hưởng trợ cấp thôi việc như bài viết đã nêu trên. Ngoài ra, người lao động nếu vẫn còn thắc mắc hoặc gặp khó khăn trong vấn đề này có thể tìm kiếm tư vấn pháp lý từ các văn phòng luật hoặc cơ quan quản lý lao động nước ngoài để được hỗ trợ và giải đáp cho từng trường hợp cụ thể.