NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC KHỞI KIỆN TẠI VIỆT NAM KHÔNG?

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Tố tụng dân sự
  • Bộ luật Lao động
  • Nghị quyết số 03/2012

Theo tại khoản 1 Điều 465 Bộ luật Tố tụng dân sự, quyền và nghĩa vụ tố tụng của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:

  1. Người nước ngoài tại Việt Nam có quyền khởi kiện đến Tòa án Việt Nam để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp.
  2. Khi tham gia tố tụng dân sự tại Việt Nam, người nước ngoài có quyền, nghĩa vụ tố tụng như công dân Việt Nam.
  3. Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế quyền tố tụng dân sự tương ứng của người nước ngoài mà Tòa án của nước đó đã hạn chế quyền tố tụng dân sự đối với công dân Việt Nam tại nước đó.

Theo đó, khi có tranh chấp phát sinh giữa lao động nước ngoài và người sử dụng lao động ở Việt Nam thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết tranh chấp. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của người lao động nước ngoài khi khởi kiện tại Tòa án Việt Nam sẽ được đảm bảo giống như công dân Việt Nam.

 

Người lao động nước ngoài khởi kiện vụ án tại Tòa án Việt Nam khi nào?

Theo điểm a khoản 1, điểm b khoản 7 Điều 188 Bộ luật Lao động, tranh chấp lao động cá nhân là người lao động nước ngoài phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải.

Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều này thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

  1. a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;
  2. b) Yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bên cạnh đó, người lao động nước ngoài cần phải chú ý đến thời hiệu khởi kiện tại Điều 190 Bộ luật Lao động: thời hiệu yêu cầu hòa giải viên hòa giải tranh chấp lao động là 06 tháng; yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết là 09 tháng; yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 năm. Thời gian được tính kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà đương sự cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

 

Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài hiện nay?

Theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này.

Và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định của Bộ luật này.

Theo đó, đây là vụ án tranh chấp có bên nguyên đơn là người lao động nước ngoài với bị đơn là người sử dụng lao động ở Việt Nam, cho nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp không cần ủy thác tư pháp do đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam và có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện.