HÒA GIẢI TRANH CHẤP LAO ĐỘNG THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019
I. Văn bản pháp luật
– Bộ luật Lao động năm 2019
– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020
II. Hòa giải tranh chấp lao động là gì?
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Các loại tranh chấp lao động bao gồm:
- Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Phương thức giải quyết tranh chấp lao động hiện nay gồm đó: hòa giải lao động, giải quyết bằng Hội đồng trọng tài lao động và giải quyết bằng Tòa án có thẩm quyền.
Khi phát sinh tranh chấp lao động, pháp luật lao động ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp. Hòa giải tranh chấp lao động là phương thức giải quyết tranh chấp lao động do hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải, đưa ra phương án hoà giải để hai bên tranh chấp cùng xem xét. Phương thức hòa giải giúp giải quyết các tranh chấp nhỏ như tranh chấp về lương khi chấm dứt hợp đồng lao động, giúp giảm gánh nặng về chi phí khởi kiện cho người lao động.
III. Tranh chấp lao động có bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải
Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định đối với các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Riêng các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Các tranh chấp lao động không thông qua thủ tục hòa giải đề cập ở trên là do các bên tranh chấp xung đột về lợi ích, không thể dung hòa lợi ích hay có thời gian để ngồi lại hòa giải với nhau.
Các tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích bắt buộc phải tiến hành hòa giải tranh chấp lao động trước khi yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng con đường Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án (khoản 2 Điều 191 và khoản 3 Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019).
Từ các quy định trên đồng nghĩa với việc nếu những tranh chấp lao động thuộc trường hợp phải hòa giải nhưng không thực hiện, khi khởi kiện ra Tòa án sẽ bị từ chối thụ lý do chưa đảm bảo đủ điều kiện khởi kiện.
IV. Thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động
Hòa giải tranh chấp lao động được thực hiện bởi Hòa giải viên lao động. Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Hòa giải viên lao động phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.
- Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
- Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
V. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động
1. Nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động
Thời hiệu yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (khoản 1 Điều 190, khoản 1 Điều 194 Bộ luật Lao động 2019).
Người có yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động đến hòa giải viên lao động hoặc cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân, thường là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Cử hòa giải viên lao động giải quyết tranh chấp
Sau khi nhận được đơn của người yêu cầu hòa giải, xét thấy tranh chấp thuộc trường hợp phải hòa giải lao động, cơ quan có thẩm quyền tiến hành cử hòa giải viên giải quyết tranh chấp, cụ thể:
a. Trường hợp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động được gửi đến hòa giải viên
Trường hợp hòa giải viên lao động trực tiếp nhận đơn yêu cầu từ đối tượng tranh chấp đề nghị giải quyết thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, hòa giải viên lao động phải chuyển cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý hòa giải viên lao động để phân loại xử lý.
Trường hợp tiếp nhận đơn yêu cầu từ hòa giải viên lao động thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, theo phân cấp quản lý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ra văn bản cử hòa giải viên lao động theo quy định.
b. Trường hợp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động được gửi đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, theo phân cấp quản lý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân loại và có văn bản cử hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định.
Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có thể cử một hoặc một số hòa giải viên lao động cùng tham gia giải quyết.
3. Phiên họp hòa giải
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoà giải viên nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan có thẩm quyền, hoà giải viên lao động phải kết thúc việc hoà giải.
Đồng nghĩa với việc phiên họp hòa giải phải mở trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp.