QUY ĐỊNH VỀ THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật Lao động 2019.

 

  1. Khái niệm thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản, bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.

Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành, được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.

 

  1. Hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể

Thời hạn thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể, từ 01 năm đến 03 năm. Trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên thương lượng để kéo dài thời hạn hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới.

Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

 

  1. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật;

– Người ký kết không đúng thẩm quyền;

– Không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật.